Vĩnh Trạch tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Vĩnh Trạch là một trong hai xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Thoại Sơn (năm 2015), và luôn được duy trì, nâng chất. Năm 2018, Vĩnh Trạch bước vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao một cách toàn diện theo Quyết định số 1005/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.
Với quyết tâm về đích trong thời gian sớm nhất, xã đã tổ chức rà soát và tự đánh giá đạt 12/19 tiêu chí, 27/35 chỉ tiêu. Tiếp đó, xã kiện toàn Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể để thực hiện Bộ tiêu chí nâng cao, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư cho các chỉ tiêu chưa đạt, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban quản lý. Năm 2018 phấn đấu thực hiện đạt 5 tiêu chí, 6 chỉ tiêu, gồm: chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng điện; trường học đạt chuẩn quốc gia; thu nhập; giảm tỷ lệ hộ nghèo; cán bộ, công chức được xếp lương theo ngạch bậc công chức và giải quyết thủ tục hành chính.
Chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tiếp tục được đẩy mạnh trong xây dựng đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã nhanh chóng được nhựa hóa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; các tuyến đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa mặt đường 2m; tỷ lệ km đường ngõ, xóm (đường dân sinh) được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa; các đường trục chính nội đồng được rải đá cấp phối cứng hóa giúp cho lưu thông, đi lại thuận tiện.
Toàn xã có 1.482 ha đất sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Trạch duy trì hoạt động có hiệu quả với các loại hình dịch vụ gồm bơm tưới tiêu kết hợp, sản xuất và cung ứng lúa giống, mua bán thức ăn chăn nuôi, gia công đan ghế xuất khẩu, đem lại lợi nhuận đáng kể và góp phần giải quyết việc làm ở địa phương. Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ đông xuân 2017 – 2018 xã ký hợp đồng với công ty thực hiện bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao 50 ha, vụ thu đông năm 2018 nâng diện tích có bao tiêu sản phẩm lên 100 ha.
Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đã góp phần nâng cao mức sống của người dân nông thôn. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 51.107.000 đồng, tăng 10.277.000 đồng so với đầu năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,88%.
Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng hàng năm duy trì mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, hoạt động thư viện, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương. Ở các ấp đều duy trì điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ dưỡng sinh phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa và vui chơi giải trí trong nhân dân.
Toàn xã có 7 ấp đều được công nhận "ấp văn hóa" từ năm 1999 đến nay; có 4.043 hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung (97,89%), 3.720 hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch (90,07%); có 4.122/4.130 hộ sử dụng điện thường xuyên (99,81%); 7 ấp trên địa bàn xã đều được thu gom, xử lý rác thải đúng quy định phục vụ cho 3.166/4.130 hộ (76,66%), tạo cảnh quan môi trường "xanh - sạch - đẹp".
Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; duy trì thực hiện có hiệu quả các mô hình an ninh, trật tự như: diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, đội Dân phòng thường trực phòng chống tội phạm; cổng rào an ninh, trật tự; mô hình tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nói không với tệ nạn xã hội; mô hình phòng ngừa kéo giảm tội phạm, người sử dụng ma túy trên địa bàn ấp.
5 trường học trên địa bàn xã đều được đầu tư đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó trường Trung học phổ thông Vĩnh Trạch được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2016, trường Tiểu học A, B và trường Mẫu giáo được công nhận năm 2018, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia lên 80%, còn lại trường Trung học cơ sở phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2019 theo lộ trình.
Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiện xã đã đạt 18/19 tiêu chí, 34/35 chỉ tiêu của xã nông thôn mới nâng cao và giữ vững lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch Lê Minh Thảo cho biết: “Về cơ bản, đến nay xã chỉ còn 2 chỉ tiêu chưa đạt cần khắc phục. Chỉ tiêu về cán bộ công chức thì chúng tôi đã làm việc với Sở Nội vụ để có sự điều chuyển phù hợp. Còn chỉ tiêu về bảo hiểm y tế thì chúng tôi sẽ tiếp tục vận động đáo hạn và vận động số người tham gia mới; phối hợp với các trường rà soát tiến độ tham gia bảo hiểm y tế học sinh. Bên cạnh đó Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương hỗ trợ 1.500 thẻ bảo hiểm y tế, mỗi thẻ 100.000 đồng cho các hộ nghèo. Phấn đấu đến cuối tháng 10/2019 thực hiện đạt trên 95% theo tiêu chí quy định”.
Chắc chắn, Vĩnh Trạch sẽ trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Thoại Sơn trong năm 2019 và sẽ để lại những kinh nghiệm quý cho huyện trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.