Skip to main content

Giới thiệu chung

   1. Sơ lược về vùng đất Vĩnh Trạch, sự thay đổi tên gọi và địa giới hành chính trong tiến trình lịch sử:
    Xã Vĩnh Trạch có tổng diện tích tự nhiên 1.836 ha, dân số: 4.129 hộ, 16.502 người, chia thành 07 ấp: (1) ấp Vĩnh Tây, (2) Vĩnh An, (3) Vĩnh Trung, (4) Trung Bình Tiến, (5) Trung Bình Nhất, (6) Trung Bình Nhì, (7) Tây Bình; với vị trí địa lý phía đông: giáp thị trấn Phú Hoà, phía tây: giáp xã Vĩnh Phú, Định Thành, phía nam: giáp xã Vĩnh Chánh, Vĩnh Khánh (Thoại Sơn), phía bắc: giáp xã Vĩnh Thành (Châu Thành tỉnh an Giang).
Lịch sử hình thành xã Vĩnh Trạch gắn liền với việc khai hoang, lập làng vùng đất phương Nam, cùng với những bước thăng trầm của lịch sử, xã Vĩnh Trạch cũng có những thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi khác nhau.
Năm 1919, nhập hai thôn Vĩnh Thuận (Vĩnh Trạch ngày nay) và thôn Tham Trạch (Vĩnh Thành ngày nay) thành một làng mới có tên gọi là Vĩnh Trạch thuộc Tổng Định Phú quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên; năm 1953, thuộc quận Núi Sập, tỉnh Long Xuyên (do thực dân Pháp thành lập quận Núi Sập), ngụy quyền thành lập tỉnh An Giang ngày 22/10/1956, Vĩnh Trạch thuộc Núi Sập tỉnh An Giang. Ngày 01/7/1961 ngụy quyền thay đổi địa giới hành chính lập ra quận Huệ Đức. Vĩnh Trạch thời gian này thuộc Tổng Định Phước, quân Châu Thành, tỉnh An Giang cho đến năm 1975 (Tổng Định Phước gồm có 05 xã: Mỹ Thới, Mỹ Phước, Phú Hoà, Vĩnh Chánh, Vĩnh Trạch). Trụ sở hành chính xã đặt Đình làng (cũ) và chợ Cái Vồn (thuộc ấp Trung Bình nhất, xã Vĩnh Trạch). Đến năm 2002 di dời về đường Tỉnh lộ 943 ấp Trung Bình Tiến, xã Vĩnh Trạch. (Đường đến cơ quan hành chính xã Vĩnh Trạch: Từ Long Xuyên đi hướng Núi Sập (Tỉnh lộ 943) đến thị trấn Phú Hòa rồi đến cầu Mương Trâu, đến ngã tư lộ tể Vĩnh Trạch - Thanh Niên (cách Vĩnh Trạch - Thanh Niên khoảng 100 mét) là cơ quan hành chính xã Vĩnh Trạch.
* Sự thay đổi địa giới về phía cách mạng:
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 ta lấy đơn vị hành chính như của địch. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vĩnh Trạch thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Từ tháng 3/1948, thuộc tỉnh Long Châu Hậu; năm 1950 thuộc tỉnh Long Châu Hà; năm 1954 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên; giữa năm 1957 thuộc tỉnh An Giang; năm 1971 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang rồi thuộc tỉnh Long Châu Hà (tháng 5/1974) cho đến tháng 12/1975 theo Quyết định số 19 của Bộ Chính trị.
    Ngày 25/4/1979, thực hiện Quyết định số 181/CP của Hội đồng Chính phủ, xã tách phân nữa các ấp Đông Bình Nhất, Đông Bình Nhì, Trung Bình Nhất, Trung Bình Nhì, Tây Bình và trọn ấp Đông Bình Trạch sáp nhập về xã mới Vĩnh Thành, huyện Châu Thành.
Ngày 23/8/1979, theo Quyết định số 300 của Hội đồng Bộ trưởng tách huyện Châu Thành - Huệ Đức, Huệ Đức đổi tên thành huyện Thoại Sơn, lấy sông Long Xuyên làm ranh giới giữa hai huyện. Xã Vĩnh Trạch nhận một phần địa bàn hai ấp Tây Bình A, Tây Bình B xã Vĩnh Chánh sáp nhập về, kể từ đây xã Vĩnh Trạch thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho đến nay.

hinh


2. Khái quát về kinh tế - xã hội :
Trong tiến trình lịch sử từ lớp dân cư khai phá lập làng đầu tiên đến lớp người kế tiếp, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã đổ bao mồ hôi, xương máu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến đấu bảo vệ, xây dựng và đưa vùng đất Vĩnh Trạch phát triển như ngày nay.
Xã Vĩnh Trạch ngày nay có cuộc sống ấm no sung túc, là xã thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80%, với năng suất bình quân cả năm 17,5 tấn, bình quân lương thực đầu người 1.510 kg/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 70.443.000/người/năm; phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ, toàn xã có 3 chợ, có trên 100 cơ sở bao gồm: sửa chữa máy nông nghiệp, nhà máy xay xát, nghề mộc... đã thu hút hàng ngàn lao động có việc làm ổn định; giao thông đi lại được nâng cấp xây dựng khang trang, toàn xã có 23,6 km đường nhựa, 4,6 km đường bê tông, các tuyến còn lại đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, kể cả xe 4 bánh lưu thông dễ dàng ngay trong mùa mưa lũ.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được UBND tỉnh An Giang ra quyết định số 2893/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 công nhận xã Vĩnh Trạch đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018 xã Vĩnh Trạch bước vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1005/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xã đã tổ chức rà soát và tự đánh giá, đồng thời đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện nhằm duy trì các chỉ tiêu đã đạt và hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, để đến cuối năm 2020 xã Vĩnh Trạch đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao theo quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 03/12/2020, nhằm góp phần cùng huyện Thoại Sơn đạt chuận huyện nông thôn mới.
Về giáo dục có đầy đủ các bậc học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, hàng năm huy động trên 3.200 học sinh đến trường, phong trào xã hội hoá giáo dục phát triển khá mạnh mẽ, mỗi gia đình đã nêu cao ý thức trách nhiệm cùng với nhà trường giáo dục con em mình, đồng thời đẩy mạnh công tác chống lưu ban bỏ học, nhân dân đã có nhiều đóng góp công sức, vật chất góp phần đưa sự nghiệp giáo dục xã nhà ngày một phát triển hơn. Hàng năm xã luôn duy trì việc tổ chức họp mặt truyền thống nhằm tuyên dương những học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, đây là nét đẹp văn hoá của địa phương nhằm khuyến khích các thế hệ hiện tại ra sức học tập, cống hiến nhiều hơn bằng tri thức của mình. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 5/5 trường học đạt chuẩn quốc gia, gồm: trường Mẫu giáo, trường Tiểu học A, trường Tiểu học B, trường Trung học cơ sở  và trường Trung học phổ thông.
Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang với 10 giường bệnh, y bác sĩ và nhân viên y tế có 08 người đủ sức chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. 
3. Cơ cấu tổ chức: 
Toàn xã có 42 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã (Trong đó: khối Đảng 05 người, khối Dân vận 13 người và khối Nhà nước 24 người). Có 7 Ban nhân dân ấp, Trạm y tế và 5 trường học (trường Mẫu giáo, Tiểu học A, Tiểu học A; trường THCS và trường THPT).